3 thg 2, 2013

CHỜ ĐỢI BẤT NGỜ


Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2008

Tối nay (8-6), tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM) sẽ diễn ra những trận thi đấu cuối cùng của vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo robot (Robocon) Việt Nam 2008. Ai sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài tại Ấn Độ? 

Trước "giờ G", chúng tôi xin giới thiệu bạn đọc bài viết của một thành viên đội BKPro, đội vô địch Robocon 2006, về cuộc thi năm nay.

Những "quy luật" và bất ngờ

Trải qua 6 kỳ Robocon (từ 2002 tới 2007) chúng ta có thể rút một số "quy luật" thú vị trong sân chơi này như sau:

- Các đội chủ nhà thường để mất chức vô địch vào tay đội khách.
- Các trường ĐH Bách khoa thay nhau nắm giữ chức vô địch trong nước (ĐHBK TP.HCM: 3 lần, ĐHBK  Hà Nội: 2 lần, ĐHBK Đà Nẵng: 1 lần).
- Việt Nam vô địch vào các năm chẵn: 2002, 2004, 2006.
- Việt Nam chỉ vô địch khi đại diện là ĐHBK TP.HCM.

Việt Nam đang là nước nắm giữ kỷ lục trong sân chơi này với 3 lần vô địch sau 6 lần tổ chức, ba lần còn lại chia đều cho các nước: Thái Lan (2003), Nhật Bản (2005), Trung Quốc (2007).

Khác với khu vực phía Bắc và Miền Trung, khu vực phía Nam năm nay có một sự xáo trộn đáng kể khi các trường giàu thành tích như ĐHBK TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM đều bị lấn lướt bởi các “đàn em”.

Bất ngờ nhất có lẽ là “tượng đài” ĐHBK TP.HCM chỉ có 1 đội duy nhất qua được vòng loại khu vực để góp mặt vào vòng chung kết toàn quốc. Những “đàn em” gây xáo trộn gồm ĐH Lạc Hồng (4 đội), Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế Công nghiệp 2 (2 đội), Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 (1 đội). Do đó thành phần tham gia vòng chung kết toàn quốc của khu vực miền Nam khá đa dạng với 12 đội đại diện cho 7 trường đại học.

Loạt trận đấu loại trực tiếp trong vòng 1/16 đêm 7-6 tại Nhà thi đấu quân khu 7 có nhiều bất ngờ xảy ra. Có những tên tuổi mới là Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế Công nghiệp 2, Cao đẳng Giao thông vận tải 3 qua mặt các “đại gia” giành chiếc vé vào tứ kết. Đại diện duy nhất của ĐHBK TP.HCM bị loại sau 3 phút thi đấu chính thức, đặt dấu chấm dứt chuỗi vô địch năm chẵn của trường này.

Bkpro vô địch Robocon 2006 tại Malaysia
Điều gì đang xảy ra với “nhà vô địch”?

Có thể giải thích quy luật vô địch năm chẵn của ĐHBK TP.HCM: Để trở thành một nhà vô địch thì cần hội đủ các yếu tố quan trọng sau: Kỹ thuật - Chiến thuật - Bản lĩnh thi đấu - May mắn.

Về kỹ thuật, ĐHBK TP.HCM là một ngôi trường đào tạo đa ngành về kỹ thuật nên có nền tảng tốt về Cơ khí - Điện tử - Công nghệ thông tin.

Chiến thuật thì phụ thuộc vào yếu tố con người, sinh viên (SV) Bách khoa nói chung đều được đánh giá cao về sự thông minh và khả năng tư duy tốt.

Bản lĩnh thi đấu: đây là yếu tố chỉ có được khi cọ xát thi đấu nhiều. Do số lượng đội đăng ký đông hơn chỉ tiêu 15 đội cho mỗi trường nên tại ĐHBK TP.HCM có hẳn một giải đấu để chọn 15 đội xuất sắc nhất. Giải đấu trải qua 3 vòng loại được đánh giá là khắc nghiệt hơn cả vòng khu vực.

Yếu tố cuối cùng là may mắn. Trong Robocon không có may mắn là không có tất cả. Kinh nghiệm cho thấy may mắn thường tới với những đội có lối chơi đẹp. Có lẽ yếu tố may mắn là điều kiện đủ để 3 lần ĐHBK TP.HCM mang về vinh quang cho Việt Nam.

Để tham gia Robocon, phải là SV năm thứ 3 trở lên mới đủ kiến thức để có thể bước vào cuộc chơi. Và trung bình một đội phải trải qua 1 hoặc 2 mùa mới tích lũy đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, bản lĩnh để mơ tới chức vô địch. Sau đó, đa số các SV này hoặc ra trường hoặc phải chuẩn bị tốt nghiệp không thể tiếp tục cuộc chơi. Và như vậy sau 2 năm thì cần có một lớp kế thừa và cũng cần từng đó năm để lớp mới đạt độ chín. Đó là lý do giải thích cho quy luật cách năm vô địch của ĐHBK TP.HCM.

Còn bây giờ điều gì đang xảy ra? Vòng loại cấp trường chỉ có 17 đội để chọn ra 15 đội, đến ngày thi đấu 2 đội bỏ cuộc! Các trận thi đấu vẫn diễn ra nhưng chất lượng thì thấp đến mức trường chỉ dám chọn 13 đội để đi "so găng". Và tới vòng loại khu vực miền Nam, các đội đều rơi rụng cuối cùng chỉ còn lại một đại diện duy nhất BKIT 4. Và tối qua, quá nhiều con tim thất vọng khi ĐHBK TP.HCM chính thức bị loại khỏi cuộc chơi.

Điều có thể lý giải là Robocon ĐHBK TP.HCM đang thực sự khủng hoảng về lực lượng. Sự khủng hoảng này bắt nguồn từ một đặc điểm của Robocon ĐHBK TP.HCM, đó là mọi hoạt động từ A tới Z đều do các thành viên trong đội tổ chức và thực hiện. SV làm và tự quyết định, ngay cả chọn chỉ đạo viên, nên các kỹ năng hay kinh nghiệm, công nghệ chỉ được chuyển giao giữa SV với nhau. Do đó, khi những lớp đàn anh với những tên tuổi như Power of Love, Zues, BKPro, BK Tech, Eros lần lượt ra đi, khoảng trống còn lại sẽ khó lấp đầy.

Có thể cuộc khủng hoảng này còn kéo dài bởi sự quan tâm tới Robocon của SV ĐHBK TP.HCM ngày càng ít đi, một phần vì thành tích mà khó có thể ai vượt qua, một phần vì những mối bận tâm trong học tập, cuộc sống. Môi trường học tập ở ĐHBK TP.HCM khá khắc nghiệt so với các trường khác. Chơi Robocon dẫn đến bị trễ một vài học kỳ là chuyện bình thường nên SV nào máu lửa lắm cũng chỉ dám chơi một lần.

Chi phí để tham gia cuộc chơi cũng không phải là nhỏ đối với SV. Mỗi đội bước đầu phải có ít nhất 5 triệu trong tay, trải qua mỗi vòng, chi phí để làm robot dao động từ 5 tới 10 triệu. Nếu vào được vòng chung kết toàn quốc may ra mới "hòa vốn" vì có tiền thưởng, nếu không thì lo tháo robot bán để trả nợ. Chính vì thế mà rất ít đội trụ được tới 2 mùa Robocon.

Ngày trở lại vinh quang của ĐHBK TP.HCM có thể sẽ còn rất xa.

Ai sẽ là nhà vô địch mới? 

Trong lúc ĐHBK TP.HCM khủng hoảng thì những tên tuổi bị đánh giá thấp trong các mùa Robocon trước trỗi dậy. Đó là các đội đến từ ĐH Lạc Hồng, Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế Công nghiệp 2, Cao đẳng Giao thông Vận tải 3. ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) gây ấn tượng với lần đầu tiên có tới 4 đại diện lọt vào vòng toàn quốc. Hai trường còn lại là lần đầu tiên góp mặt ở vòng chung kết toàn quốc và tối 7-6 đã giành vé vào tứ kết.

Thành công đó không phải là may mắn hay tình cờ. Quyết tâm “thăng hạng” và giấc mơ vô địch luôn là động lực để các đội tiến lên. Các đội này lại được đầu tư rất mạnh và nghiêm túc từ phía nhà trường. Đây cũng là những đội chịu khó "lót đường" cho các đội khác để tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu.

Một đặc điểm nữa là tại các trường này có trụ cột là các chỉ đạo viên, những người đã tích lũy kinh nghiệm, công nghệ qua quá trình làm robot với SV qua các mùa hoặc đã từng là thành viên tham gia Robocon được giữ lại trường. Họ là hạt nhân duy trì và kế thừa phong trào Robocon ở các trường này.

Giờ đây có thể nói sân chơi Robocon đã bão hòa, không còn là lãnh địa riêng của các trường có tên tuổi trước đây. Vì vậy để nhận định chân dung nhà vô địch sẽ trở nên khó khăn hơn. Với những gì thể hiện qua các trận đấu tối qua, tôi sẽ ủng hộ cho FORT - Cao đẳng Giao thông Vận tải 3. Với các robot được thiết kế khá đơn giản và gọn, màu đen đầy ấn tượng, FORT có chiến thuật khá linh hoạt, ổn định và đã từng giành chiến thắng tuyệt đối.

Hãy đón chờ những điều bất ngờ vào tối nay tại Nhà thi đấu Quân khu 7.

TRÌNH TUẤN (BKPro)