30 thg 5, 2013

NGÂN HÀNG SƯA MẸ - TẠI SAO KHÔNG?

Bắt đầu từ một nỗi đau

Một buổi sớm khác với thường lệ, tôi ra khỏi sớm chào tạm biệt bà xã đang ẵm cho thiên thần nhỏ của chúng tôi bú với lời hứa chiều sẽ trở về với hai mẹ con. Tôi lên xe rời khỏi thành phố tới tham dự một sự kiện công nghệ ở Thành phố mới Bình Dương, ngồi cạnh tôi là một người bạn cùng trường mà tôi quen biết từ trước. Sau khi hàn huyên một số chuyện công nghệ, tôi hỏi thăm chuyện gia đình, bạn này có gia đình và em bé trước tôi. Bạn này chia sẻ con bạn bú sữa ngoài nên hàng tháng cũng tốn một khoản kha khá cho sữa của con, trong lòng tôi mừng thầm và cảm ơn bà xã có đủ sữa cho con của chúng tôi bú. Nhưng không ngờ đó là ngày định mệnh, ngày cuối cùng thiên thần nhỏ của chúng tôi được bú mẹ một cách tự nhiên. Giường như có sự sắp đặt của định mệnh để tôi ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ, đi xa khỏi thành phố, bật điện thoại qua chế độ im lặng, cho tới khi thấy 20 cuộc gọi nhỡ và được báo là bà xã đang đi cấp cứu tôi vẫn chưa mường tượng được nỗi đau mà sắp tới tôi phải đối mặt. Chuyến xe trở về thành phố có lẽ chưa bao giờ dài đến thế nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh và có lẽ tôi không tin điều tồi tệ nhất lại đến với mình. Trạng thái đó vẫn kéo dài cho dù bác sĩ liên tục nhấn mạnh cơ hội thành công là rất ít lúc tôi làm thủ tục để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu. Cho tới lúc đó tôi vẫn chưa thể gặp bà xã mình, trở về nhà tôi ôm con vào lòng nói với con:

- "Ủn ngoan nhé, nhất định mẹ sẽ về với hai ba con mình!"

Nói với con nhưng thực ra là trấn an chính bản thân, con tôi lúc đó mới 1 tuần tuổi khẽ cười trong giấc ngủ làm tôi càng tin vào hy vọng, nhất định em sẽ về với ba con tôi.

Cuộc phẫu thuật thành công, các bác sĩ đã cầm máu được và mọi chuyện trở nên nhẹ nhõm hơn với tôi, người thân, và những người bạn đang sát cánh cùng tôi lúc đó. Nhưng cho tới thời điểm đó tôi vẫn chưa gặp được vợ mình. Hình ảnh tình cảm của hai vợ chồng đọng lại trong tôi lúc đó là khoảnh khắc tôi nắm tay vợ nằm cạnh thiên thần bé bỏng đang say ngủ trông đêm hôm trước ngày định mệnh đó. Cái nắm tay thật chặt và ấm như không thể có gì chia lìa được hạnh phúc. 

Sáng ngày hôm sau tôi được vào thăm vợ, mặc dù hôn mê nhưng thấy tôi nước mắt em ứ ra tôi không thể cầm được lòng mình, chưa bao giờ tôi khóc như thế. Hy vọng như cứ vơi đi như những hạt cát trong đồng hồ dần vơi đi theo thời gian chỉ khác một điều dòng cát kia sẽ có thể lật ngược để chảy tiếp còn hy vọng thì không. Em đã hôn mê và không bao giờ trở lại với ba con tôi.

Tìm sữa cho con

Tôi đã buộc lòng phải nhờ người gửi con vào Từ Dũ theo lời gợi ý giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ sau khi ca phẫu thuật để lo cho vợ, vì con tôi còn quá nhỏ và mọi người trong gia đình đã quá rồi bời không thể lo tốt được cho bé. Sau khi lo xong hậu sự cho bà xã, tôi vào thăm con, chỉ được nhìn con qua cửa kình tôi không thể cầm được nước mắt, cô điều dưỡng cũng vậy. Lúc đó tôi chỉ là một người cha "thực tập" với vỏn vẹn mấy ngày kinh nghiệm, nhưng tự hứa với lòng sẽ chăm sóc Ủn thật tốt và nuôi dạy con nên người với tất cả tình yêu thương. 
Khoảnh khắc chơi đùa của hai ba con
Tôi đón con về nhà sau 7 ngày nằm trong Từ Dũ, trên taxi về nhà một mình ẵm con trên tay tôi đã cố kiềm chế khỏi rơi nước mắt khi con tỉnh giấc tè rồi khóc vì đói, dỗ mãi con mới im và mút ngón tay rất thương. Thật may mắn khi trước đó một số người bạn đã xin sữa mẹ đông lạnh giúp tôi nên về tới nhà Ủn được bú ngay sữa mẹ. Lúc đó tôi không biết gì nhiều về sữa mẹ đông lạnh nên tính khi hết sẽ cho Ủn bú sữa bột. Về nhà 3 ngày mà con vẫn chưa ị, tới ngày thứ tư một chị bạn tới thăm mới massage bụng và kích thích hậu môn  nhưng khó khăn lắm mới ị được. Phân ra vón cục cứng như nhựa đường khô, vài ngày sau phân của con bắt đầu mềm dần nên tôi càng tin tưởng vào sữa mẹ hơn và ráng tìm sữa cho con. Ủn bú hết rất nhanh số sữa xin được ban đầu nên phải tiếp tục nhờ bạn bè xin dùm trên các diễn đàn, may sao cũng có kịp sữa cho con khi vừa hết nên con không bị gián đoạn dùng sữa mẹ. 

Nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nhiều lúc khó khăn không đến từ kiến thức và kinh nghiệm mà đến từ những định kiến mà bạn phải đối mặt. Có lẽ đây là vấn đề mà nhiều ông bố và bà mẹ gặp phải với các bậc phụ huynh của mình. Qua hết tháng thứ ba nhu cầu dinh dưỡng của Ủn giảm sút nên bỏ bú triền miên chỉ ham chơi và lật, bà nội sốt ruột nghĩ con chán sữa mẹ nên thử cho con bú sữa bột. Mặc dù biết giai đoạn này con chịu chơi và khỏe mạnh là được rồi nhưng một phần vì lo con không tăng ký, một phần không muốn không khí trong nhà căng thẳng nên ba cũng xuôi theo ý nội. Nhưng bú vào là ói ra hết, ói cho đến khi chẳng còn gì trong bụng, ba không cho nội dùng sữa bột nữa. Vậy mà lần thứ hai và thứ ba vẫn diễn ra nhưng ba không biết vì không có nhà, đến lần thứ tư con ói ra ba có mặt mới biết. Ẵm con mà con một lúc lại ói lòng ba như lửa đốt, nhưng không muốn nổi nóng trước mặt con nên ba đã kiềm chế. Lý do vì tiếc phải bỏ hộp sữa không thuyết phục bằng lý do muốn con tập bú sữa ngoài để có thể sớm đem con về quê cho ba tiện lo làm ăn. Con đã mất mẹ, không thể thiếu thêm ba! Như ai đó đã nói mỗi người đều có cuộc chiến riêng của mình, cuộc chiến của ba bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn cạnh ba.

Vì sao sữa mẹ lại quan trọng?

Sữa mẹ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá dành cho con trẻ, chắc hẳn không dưới 1 lần bạn nghe câu: "Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ". 

Thứ nhất, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.

Trong sữa mẹ có kháng thể giúp ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai và đường hô hấp. Ngoài ra, sữa mẹ cũng góp phần bảo vệ bé khỏi dị ứng. Vì vậy bạn đã chia sẻ với bé một phần hệ miễn dịch của thông qua các kháng thể có trong sữa mẹ. Đây là điều tuyệt vời cho bé vì hệ thống phòng vệ tự nhiên của bé chưa hoàn thiện và chưa được huấn luyện đầy đủ khi mới sinh.

Sữa mẹ giúp bé phát triển trí não cũng cửa sổ tâm hồn do sữa mẹ chứa nhiều axit béo không no chuỗi dài đa nốí đôi (LC-PUFAs) như DHA, ARA, là thành phần chính xây dựng não bộ và mắt của bé. Điều này rất khác biệt đối với sữa bò vì sữa bò giúp bò phát triển cơ bắp do mới sinh ra bò đã phải tập đi để tìm thức ăn ngay trong tuần đầu. Còn con người trong năm đầu đời tập trung cho sự phát triển trí não nên thường khoảng một tuổi bé mới biết đi.

Cuối cùng của nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài vượt qua thời kỳ cai sữa. Sữa mẹ còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh chuyển hóa tim mạch như béo phì, cao huyết áp, lipid máu cao và bệnh tiểu đường. Mặt khác còn rất nhiều những lợi ích khác đem lại từ việc nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ, gia đình, cộng đồng và sự phát triển tình cảm của bé với mẹ và gia đình. Tránh những rủi ro không đáng có từ sữa bột tới sức khỏe và tương lai của các bé (điển hình là vụ  bê bối sữa độc tại Trung Quốc).

NGÂN HÀNG SỮA MẸ - bắt đầu từ một ý tưởng

Ý tưởng lập một ngân hàng sữa mẹ nhen nhóm khi tôi tới thăm một mẹ con một bé sinh quá ngày vì hoàn cảnh có thai ngoài ý muốn, đã ly dị chồng và quyết định giữ lại đứa con nhưng không dám báo gia đình. Một thân một mình không có tiền đi sinh nở nên để bé trong bụng quá 10 ngày cho tới khi đau bụng dữ dội mới được đưa đi cấp cứu để mổ bé ra. Do nằm lâu trong bụng cạn ối nên da bé bị khô và bong tróc ra, nhìn hình bé khi mới khi mặc dù hơi sần sùi nhưng còn đỏ hỏn, còn lúc tôi qua nhà thăm thì da bé đã chuyển qua màu đen sần sùi. Trước khi qua tôi hỏi chị bé bú sữa ngoài hay sữa mẹ, chi cho biết vì sắp phải đi làm nên không dám cho bé bú sữa mẹ mặc dù sữa mẹ nhiều. Tôi mang qua cho bé một hộp sữa bột nhưng khi trên đường về tôi ước giá như mình không phải làm điều đó. Về tới nhà tôi đã gọi ngay cho chị thuyết phục chị cho bé bú sữa mẹ được ngày nào hay ngày đó biết đâu sẽ giúp da bé được lành nhanh hơn, nhưng tôi không dám chắc chị sẽ cho bé bú. 

Lúc đó đầu tôi luẩn quẩn mấy suy nghĩ về việc liên kết một mạng lưới các mẹ dư sữa, mỗi tủ lạnh của mỗi mẹ là một cái kho trữ. Trước tiên các mẹ đông lạnh và trữ sữa để backup sữa cho chính con mình để dùng khi mẹ đi làm hoặc những lúc vì lý do gì đó bị mất sữa. Kế đến là chia sẻ sữa đó cho các bé khác khi mẹ, của các bé không có sữa hoặc bị mất sữa. Cuối cùng là giúp điều phối nguồn sữa ổn định tới các bé cần sữa, giảm tải tủ lạnh trữ sữa khi sữa quá tải dẫn đến phải bỏ sữa rất phí phạm. Vì kinh nghiệm xin sữa của mình cho Ủn cho thấy lúc thì rất nhiều sữa do con bú ít lúc lại cạn sữa do con bú nhiều hoặc các mẹ cho cố định bị ít sữa. 

Nghĩ là vậy nhưng khi đó tôi chưa tự tin là có thể làm được vì không biết có đủ người cho sữa không, với lại túi trữ sữa dùng chỉ được 1 lần mà lại không rẻ. Cho tới một lần gần đây khi bé nhà mình hết sữa mà hai mẹ cho thường xuyên bé bú nhiêu hơn nên không còn nhiều sữa cho Ủn. Tôi nhờ sự giúp đỡ của "Hội nuôi con bằng sữa mẹ" trên Facebook, không ngờ các mẹ cho sữa rất nhiệt tình làm tủ lạnh nhà tôi lại một phen quá tải. Điều đó làm tôi tự tin chia sẻ ý tưởng của mình và kêu gọi các mẹ chung một tay để thành lập NGÂN HÀNG SỮA MẸ lại được các mẹ ủng hộ nhiệt tình. Qua trao đổi tôi được biết ngân hàng sữa mẹ có từ rất lâu ở Châu Âu, Mỹ, gần đây thì Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines đều có cả chỉ mỗi ở ta là chưa. Một thực tế bất ngờ hơn là tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực (dưới 20% so với 65% của Cambodia, 40% của Châu Á). Điều đó làm tôi và các mẹ khác có động lực để làm một điều ý nghĩa cho chính con mình và các bé khác có cơ hội được duy trì nguồn tài nguyên quý giá này.

Chúng tôi cần bạn chung tay!

Mới chỉ bắt tay vào để hiện thực ý tưởng nên chúng tôi còn gặp những khó khăn cần bạn chung một tay để xây dựng một NGÂN HÀNG SỮA MẸ đầu tiên tại Việt Nam.

Nếu bạn làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí xin hãy giúp truyền tải câu chuyện này để mọi người có thể ý thức được vai trò quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ em góp phần nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ cũng như tăng tỷ lệ của người tham gia hiến sữa và nhận sữa.

Nếu bạn là chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng hoặc xét nghiệm hãy tư vấn cho chúng tôi liên quan tới vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn sữa nhận, sức khỏe của người hiến sữa cũng như việc xử lý và bảo quản nguồn sữa sau khi tiếp nhận.

Nếu bạn là chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý hãy tư vấn cho chúng tôi các vấn đề liên quan tới thủ tục và tổ chức hoạt động liên quan tới pháp lý.

Nếu bạn là mạnh thường quân hãy hỗ trợ và ủng hộ chúng tôi để trang bị các thiết bị cần thiết, túi trữ sữa cũng như chi phí xét nghiệm và bảo quản sữa đông lạnh.

Nếu bạn là mẹ đang nuôi con nhỏ và dư sữa mẹ và hoàn toàn khỏe mạnh hãy góp sữa vào ngân hàng sữa mẹ.

Nếu bạn cần sữa cho con bạn, hãy liên hệ chúng tôi để con bạn được duy trì nguồn sữa mẹ và giúp giảm thiểu sự lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này.

Nếu bạn có đủ thời gian và nhiệt huyết hãy giúp chúng tôi làm tình nguyện viên.

Chúng tôi hoan ngênh mọi ý kiến đóng góp cũng như các hình thức hỗ trợ khác từ bạn. Liên hệ với chúng tôi qua email: nganhangsuame@gmail.com, điện thoại: 0985581043 (Trình Tuấn)