2 thg 8, 2013

TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ [1-7 THÁNG 8]

Khoảnh khắc tuyệt vời cho con bú của hơn 100 bà mẹ Việt
Tuần lễ Nuôi con bằng Sữa mẹ - 2013 (World Breastfeeding Week) được diễn ra trên toàn cầu từ ngày 1/8 đến 7/8 với chủ đề chính là  "HỖ TRỢ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ: GẮN KẾT VỚI MẸ". Tuần lễ được phát động bởi Liên minh hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) từ năm 1992 hưởng ứng Tuyên ngôn  Innocenti 1990 về bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Trên 170 quốc gia hưởng ứng Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, sự kiện này được bảo trợ bởi UNICEF, WHO, FAO và IPA.

Tuần lễ năm nay chú trọng vào việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các mẹ, dù là qua cộng đồng mạng hay tại nơi sinh sống. Tuy rằng có những mẹ khởi đầu chặng đường nuôi con bằng sữa mẹ tốt đẹp, nhưng chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng sau khi sinh tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn bị giảm rất mạnh. Khi người mẹ không tìm được sự trợ giúp từ các cơ sở y tế thì sẽ nhận được trợ giúp từ những người mẹ khác trong một cộng đồng để tiếp tục vững bước trên chặng đường nuôi con bằng sữa mẹ của mình.

Những mục tiêu được đề ra trong tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm nay là:

1. Nâng cao tầm quan trọng của sự hỗ trợ lẫn nhau để giúp những mẹ mới sinh có một khởi đầu tốt đẹp và duy trì được nguồn sữa. 

2. Để cho mọi người biết được những lợi ích quan trọng của phương pháp hỗ trợ lẫn nhau, và cùng nhau xây dựng những chương trình hỗ trợ có hiệu quả. 

3. Khuyến khích mọi người cùng chung tay hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, cùng xung phong trở thành những chuyên gia tư vấn sữa mẹ tích cực.

4. Thành lập các tổ chức hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng của mình, để các mẹ sau khi sinh có thể tìm đến để nhận được trợ giúp.

5. Kêu gọi chính phủ và luật pháp của các quốc gia để có những chính sách nhằm cải thiện thời gian và tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Nhiều mẹ vẫn cho con bú, nhưng rất nhiều em bé khác vẫn bị thiệt thòi vì không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và lâu hơn nữa. Theo thống kê năm 2010 thì tỷ lệ cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở Việt Nam là 19.6%, nằm trong top những nước có tỷ lệ bú mẹ thấp nhất thế giới cùng với Bangladesh, Ethiopia. Trẻ bú mẹ có nguy cơ thấp hơn đối với những bệnh như viêm tai giữa và tiêu chảy, và cũng ít khả năng bị béo phì hay tiểu đường khi lớn lên. Nhưng những nhân viên y tế thì vẫn gặp khó khăn trong việc đưa ra những thông tin này tới mọi người. Ví dụ như, nhiều bố mẹ vẫn không nhận thức được rằng sữa mẹ tốt hơn sữa công thức. Ngoài ra, trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn bị những tác động lâu dài như kết quả học tập kém, giảm hiệu suất học tập/lao động, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và xã hội sau này.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi (nguồn Unicef)

Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành hai văn bản pháp luật quan trọng. Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua chế độ nghỉ thai sản 6 tháng. Ba ngày sau, ngày 21/6/2012, Luật quảng cáo với mục 4 điều khoản 7 cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình vú và vú ngậm nhân tạo, cũng đã được thông qua. Cả hai văn bản pháp luật quan trọng trên đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu ủng hộ rất cao, trên 90%. Mặc dù có những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều tổ chức và cá nhân cũng như cơ quan chính phủ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các bệnh viện và nhà hộ sinh thường có ảnh hưởng xấu tới sự nỗ lực của các bà mẹ. Ví dụ ở Mỹ, 25% các bệnh viện và nhà hộ sinh cho trẻ khoẻ mạnh ăn sữa công thức ngay sau khi sinh, và 75% thì tặng kèm sữa bột khi mẹ ra viện.

Theo như báo cáo của Hiệp hội sữa mẹ (breasftfeeding report card) thì các bệnh viện nên làm 2 việc quan trọng để giúp các mẹ thành công trong bước đầu nuôi con bằng sữa mẹ: Để cho em bé nằm cùng phòng với mẹ và giúp mẹ và bé thực hiện phương pháp da liền da. 

Các em bé được mẹ ôm ấp da liền da thì sẽ cảm thấy ấm áp hơn và ngậm vú mẹ đúng cách hơn và bú mẹ nhiệt tình. Cũng ở Mỹ, tỉ lệ các bệnh viện thực hiện biện pháp da liền da đã tăng từ 41% năm 2007 lên 54% năm 2011. Tỉ lệ các bệnh viện cho bé nằm cùng phòng với mẹ ít nhất 23 tiếng mỗi ngày tăng từ 30% vào năm 2007 lên 37% vào năm 2011. Điều này nghĩa là 2 phần 3 số trẻ vẫn phải nằm dưỡng nhi và cách ly với mẹ.

Ở Việt Nam cùng với sự quá tải của hệ thống y tế cũng như công tác đào tạo cán bộ y kế có kiến thức chuyên sâu về nuôi con bằng sữa mẹ chưa được quan tâm, không bài bản nên đa số họ chưa hiểu hết được giá trị của sữa mẹ với trẻ. Từ đó, nhân viên y tế chưa tư vấn được cho các bà mẹ về việc cần phải cho trẻ bú ngay sau khi sinh hay bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và bú tiếp trong 2 năm đầu đời. Điều này cùng với sự cộng hưởng bởi các yếu tố đã kể trên khiến cho việc cải thiện tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trở ngày càng trở nên thách thức đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo và hiệu quả hơn.

Hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng Sữa mẹ năm nay không chỉ là những hoạt động phong trào của các ban ngành liên quan mà còn có sự tham gia tích cực của những cá nhân và cộng đồng mạng. HỘI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ là một cộng đồng 10.000 thành viên hoạt động trên Facebook nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ trẻ đang nuôi con nhỏ cũng như các thành viên chuẩn bị làm mẹ. Trước khi tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra, hưởng ứng sự phát động của Hội, các bà mẹ đã gửi hàng trăm bức hình ghi lại khoảnh khắc cho con bú để làm thành một bức hình lớn cổ vũ cho sự kiện năm nay. Các thành viên đồng loạt thay cover trên trang cá nhân bằng bức hình ý nghĩa này.
Những khoảnh khắc tuyệt vời khi cho con bú của các bà mẹ gửi về cho Hội nuôi con bằng sữa mẹ