Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ



Cảm hứng sống từ một con người | Lời giới thiệu sách

Vào một ngày cuối năm 2012, một bác sĩ nhi đồng nghiệp sang phòng làm việc của tôi xin ý kiến về một trường hợp bé sơ sinh đến khám với tiền sử bệnh là mẹ qua đời sau khi sanh bé được vài ngày. Thú thật lúc đó tôi khá xúc động khi hình dung cuộc sống của bé sẽ khó khăn như thế nào khi không có được sự chăm sóc, tình yêu thương của mẹ và không có những giọt sữa mẹ quý báu cho giai đoạn phát triển đầu đời. Tôi đã từng biết khá nhiều những bà mẹ đơn thân nuôi con, nhưng quả thật tôi hiếm khi thấy một người cha đơn thân nuôi con.

Khoảng một tuần sau, tôi đã gặp người cha đơn thân nuôi con ấy khi anh đem con gái đến tái khám. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Trình Tuấn. Và điều đặc biệt gây ấn tượng với tôi hơn nữa là người cha đó đang cho đứa con sơ sinh non nớt của mình được bú sữa mẹ, những giọt sữa quý báu xin từ một bà mẹ khác đang cho con bú.

Giữa vô vàn những thông tin quảng cáo đủ các loại sữa công thức thay thế cho sữa mẹ mà chúng ta dễ dàng thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam (hay thậm chí lời khuyên cho bú sữa công thức từ những nhân viên y tế tại các bệnh viện phụ sản hay nhi khoa) thì việc một bà mẹ dũng cảm cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đã là điều đáng quý, còn việc một người cha đơn thân như Trình Tuấn cố gắng duy trì cho con gái mình được bú sữa mẹ quả là một “hiện tượng” đáng khâm phục đối với tôi. Nỗ lực ấy chắc chắn phải là xuất phát từ nhận thức rất sâu sắc của anh về những lợi ích to lớn của sữa mẹ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu y khoa trên thế giới.

Nếu nỗ lực của anh trong việc duy trì nguồn sữa mẹ cho chính đứa con gái thân yêu của mình đáng khâm phục một, thì những nỗ lực lớn hơn nữa của Trình Tuấn trong việc kêu gọi các bà mẹ gây dựng một Ngân Hàng Sữa Mẹ để chia sẻ tới nhiều bé không được bú sữa mẹ đáng khâm phục gấp trăm lần. Tôi hân hạnh được biết đến ý tưởng đó từ sớm và cũng muốn góp một phần khả năng của mình, tuy nhiên những đóng góp của tôi có đáng kể gì so với nỗ lực của Trình Tuấn.

Hằng ngày tôi vẫn tư vấn và khuyến khích các bà mẹ cố gắng cho con bú mẹ theo nhu cầu, tuy nhiên lời khuyên của tôi có lẽ chỉ có tác dụng một phần. Tôi nhớ một câu ngạn ngữ của Anh “Hành động có sức mạnh hơn lời nói” (Actions speak louder than words). Chính hành động đi xin sữa mẹ cho con gái mình và nỗ lực xây dựng Ngân Hàng Sữa Mẹ của Trình Tuấn đã có tác động cổ vũ mạnh mẽ hơn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy tôi thường hay lấy tấm gương của Trình Tuấn để khuyến khích các bà mẹ hãy cho con bú.

Một lần tôi đã viết trên trang facebook của tôi: “Tôi khâm phục nỗ lực của người cha này”.
Cách đây không lâu, Tuấn gửi tôi bản thảo cuốn tự truyện Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ và nhờ tôi viết lời giới thiệu khiến tôi càng bất ngờ, bởi hóa ra Tuấn còn làm được nhiều hơn thế. Không chỉ có hành trình sữa mẹ, trước đây Tuấn đã từng theo đuổi hành trình Robocon từ lúc là một cậu học trò trường huyện miền Trung cho tới khi trở thành nhà vô địch.

Còn hiện tại Tuấn đang trên hành trình khởi nghiệp với dự án xây dựng ứng dụng babyMe trên điện thoại thông minh để giúp các phụ huynh có được kiến thức khoa học trong việc nuôi con.
Thực hiện nhiều hành trình khác nhau, nhưng ở đâu Tuấn cũng thể hiện mình là một con người cháy bỏng nhiệt huyết, dấn thân hết mình cho những điều mình tin tưởng và đam mê.
Tôi mong rằng bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách này không chỉ những kinh nghiệm và niềm tin cho quá trình nuôi dạy con, mà còn tìm thấy câu chuyện đẹp về một con người có thể đem lại cảm hứng sống cho tất cả chúng ta.

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, 
Giám đốc Y khoa 
Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ


Một cuộc sống tốt đẹp có thực | Lời giới thiệu sách

Cuốn tự truyện này được kể bằng giọng văn mộc mạc, chân tình, chậm rãi tưởng chừng như chỉ phù hợp với một tính cách nhẹ nhàng và đơn điệu nào đó, một cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản nào đó. Nhưng hóa ra theo từng lời kể chậm rãi ấy, người đọc bị hút vào một chuỗi sự kiện khó có thể tưởng nổi là chúng hội tụ trên chỉ riêng một con người, một chuỗi sự kiện dường như chưa có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi cuốn sách đã khép, vẫn khiến người ta băn khoăn muốn biết điều gì kế tiếp sẽ xảy ra với chàng trai tài hoa nhưng nhiều lận đận của vùng đất Đô Lương này, với Ủn – cô con gái của anh với người vợ mà anh cho là có sứ mệnh đặc biệt đối với đời anh: đem Ủn đến cho anh và ra đi về cõi thiên đường chỉ 10 ngày sau khi Ủn ra đời.

Cuốn tự truyện là nhiều chuỗi cảm xúc đan xen, có lúc đầy ấp những ký ức thân thuộc về thiên nhiên êm đềm nơi miền quê hương Đô Lương tần tảo, có lúc dồn dập những hoạt động táy máy hay sáng tạo của một cậu bé quê nghèo nhưng nhiều ý tưởng và mơ mộng để rồi lớn lên trở thành một thành viên của đội tuyển sinh viên Việt Nam chiến thắng ở một cuộc thi tầm cỡ châu lục, đem lại cảm giác hãnh diện một thời cho những ai là người Việt, còn có hình ảnh một chàng sinh viên ham mê các hoạt động tình nguyện, dám dấn thân và trải nghiệm.

Cuốn tự truyện cũng nói về sự kiện đã khiến phần lớn chúng ta biết về anh, về sự trớ trêu của trò chơi nghiệt ngã mang tên Số phận. Những hiểu biết rời rạc qua nhiều mẩu báo giờ đây được người duy nhất còn lại trong cuộc xâu chuỗi lại bằng một nỗi niềm yêu thương da diết với người vợ “chịu đi mấy chục cây số trong đêm để đón anh”. Anh đã dằn vặt mình sau khi vợ mất. Nhưng sự kiện đau lòng đó dường như là chất xúc tác để anh đi tiếp những năm tháng chông gai bằng một sự kiên định mà chính anh cũng tự hỏi mình từ đâu mà có. Tuấn đã cho tôi một bài học về thực hiện trách nhiệm với quá khứ, với hiện tại và với tương lai – dù cuộc đời có ra sao đi nữa – thông qua cách anh quyết tâm muốn nuôi con bằng sữa mẹ, cách anh viết cho vợ anh, viết cho Ủn, dạy cho Ủn, cách anh lăn xả trên khắp các nẻo đường cả nước và trong đam mê của cá nhân anh. Của cải anh để dành cho Ủn là thứ Ủn sẽ không bao giờ mất – đó là thái độ với cuộc sống đầy trách nhiệm, không yếu mềm, không bỏ cuộc và biết tri ân những người quen và không quen.

Gần như cùng lúc với khi tôi đọc cuốn tự truyện này, ở Châu Âu, một viên phi công của hãng hàng không German Wings đã kết liễu đời mình và hơn trăm sinh mạng vô tội, chỉ vì anh ta trầm cảm và muốn người ta nhớ đến mình bằng bất cứ giá nào. Thật là đáng hổ thẹn khi nghĩ rằng ai đó có lý do chính đáng để tự giết mình và giết bao nhiêu sinh mạng khác. Đối với tôi, tự truyện của Tuấn còn đem lại cho tôi bằng chứng về một cuộc sống tốt đẹp có thực, nơi nhiều người biết chia sẻ lòng từ ái cho những mảnh đời chưa kịp may mắn như mình, như con mình. Như sen thơm mọc ở giữa bùn lầy, lòng từ ái của họ, của Tuấn, của hàng ngàn bà mẹ khác có sức mạnh lan tỏa và khích lệ mãnh liệt. Như Ủn không chỉ có một mẹ, Mẹ của Ủn là rất nhiều bà mẹ mà Tuấn biết tên cũng như không biết tên. Mẹ của Ủn là hiện thân của tình thương không vụ lợi, là sự lo lắng cho sự an toàn của nhiều sinh linh bé bỏng xa lạ. Chỉ cần sinh linh đó cần đến, lòng từ ái kia hiện diện. Nếu Con cần, Mẹ có.

Cầu chúc cho đoạn đường sắp đến của Cụ Mết và bé Ủn sẽ được người Mẹ trên thiên đường kia soi bước và tiếp sức. Cầu chúc một kết cục có hậu đến với mọi mảnh đời đã nhiều vất vả gian truân.

Mong rằng cuốn tự truyện này sẽ được đón nhận và yêu mến bởi các độc giả.

Đỗ Quốc Hiệp, 
Nguyên Phó chủ tịch 
Qũy đầu tư IDG Ventures Vietnam